Trang chủ CẢM NHÂN Nồi cá kho hâm đi hâm lại

Nồi cá kho hâm đi hâm lại

0
872

 Đi chợ mua cá về, má lui cui ướp mắm muối, hành tỏi rồi ra sau gò tranh thủ nhổ sắn, trưa về nấu cơm kho cá. Sau đó nồi cá kho “hâm đi hâm lại” ba bốn lần để dành ăn cho giáp phiên chợ.

Ảnh: TBKTSG

Hồi nhà ở xóm Soi Đùi, đi xuống chợ Đồng Dài xa bảy cây số lại phải vượt đèo Bà Ong nên từ nhà má băng tắt qua bàu Ông Quán (bàu là phương ngữ, chỉ một hồ nước nhỏ do tự nhiên mà có), đoạn đường này rút ngắn xuống chợ còn bốn cây số nhưng đi trên bờ ruộng, bước qua bờ mương. Chợ ở xa mà năm ngày mới đến phiên chợ, để thức ăn giáp phiên má mua cá về kho để dành. Mua miếng cá ngừ về má xắt làm hai làm ba, cá hố xắt làm bốn làm năm, còn cá liệt, cá cơm để nguyên con. Cá ngừ, cá hố, cá liệt đắt tiền, má đi chợ lựa mua cá cơm săn. Chợ miền núi không có cá cơm tươi mà chỉ là cá cơm trụng.

Hồi đó đâu có túi nylon như bây giờ, cá cơm bỏ lên trên tấm lá chuối bán thành mớ (rau sống, xác đậu… cũng bán mớ). Đến phiên chợ, kẹt tiền, chiều đó má rọc lá chuối phơi cho héo khi xếp lại lá không bị rách rồi gánh xuống chợ bán, ngồi từ sáng đến trưa bán hết gánh lá chuối mua đủ mớ cá cơm trụng. Có phiên má gánh lá chuối xuống chợ lót cây đòn gánh ngồi bán, ngồi từ sáng đến trưa không ai hỏi mua tiếng nào. Má năn nỉ có người mua dùm nhưng rẻ rờ, tiền bán lá chuối không mua được mớ cá, má chạy quanh chợ tìm người quen hỏi mượn thêm tiền mới mua đủ mớ cá.

Nhà ở gần bàu Ông Quán, má trồng môn sát bờ bàu, khi môn già má cắt môn về bỏ dưa môn theo cách truyền thống. Tướt tàu môn rồi ngắt thành từng đoạn luộc sơ qua rồi bỏ vào trong cái ú, cứ lớp dưa ướp vào lớp muối gọi là dưa môn muối chua. Má bưng rổ dưa môn xuống chợ bán, “trưa trật trưa trờ” mới bán hết rổ dưa môn mua mớ cá cơm trụng bỏ trong cái rổ bưng về. Mùa mưa đất bờ mương nhão nhẹt, má đi chợ về bước qua bờ mương trượt chân ngã, rổ cá đổ xuống mương, nước chảy trôi cá cơm, má chạy dọc bờ mương vớt được con nào mừng con nấy.

Nồi cá kho ít ỏi má “hâm đi hâm lại” để dành ăn giáp phiên, còn hai ngày nữa mới đến phiên chợ mà nồi cá sắp hết, má chế biến ra các món khác. Trưa nấu cơm, má múc muỗng cá kho đổ vào nồi nước đang sôi nấu canh chua lá giang. Chiều, má múc ra chén tai bèo rồi đổ vào nồi nấu canh dưa. Má bảo làm vậy ăn nhín, giáp phiên chợ.

Mỗi lần hâm nồi cá kho má chụm lửa cháy riu riu, lấy chiếc đũa bếp giở nắp nồi thăm chừng sợ khô nước rồi nhắc xuống đậy kỹ. Trong nhà đâu có cái củi (chạn bếp)  để thức ăn, má gác ngang tấm ván dừa dưới bếp nấu làm nơi để thức ăn. Nhà cũng không có đàn ông, má làm thế, đào lỗ trồng hai cây tre đực lai bên hông nhà trên ra lợp tấm tôn làm “cơ ngơi” cái bếp nấu. Chỗ bếp nấu trống rỗng trống thiên, con mèo đực to bắt hơi mùi cá kho thơm lừng nhảy lên, nồi cá đậy nắp nó ăn không được dùng chân cào đổ xuống đất.

Má kinh nghiệm lần sau, kho cá xong má đi làm đồng, bưng nồi cá kho để vô trong nhà trên đóng cửa. Chiều ấy một cơn mưa rào ập xuống, nồi cá kho đặt trúng chỗ mái nhà dột, nắp nồi lâu ngày méo mó đậy không kín, nước mưa từ mái rạ chảy vô vàng khè.

Bây giờ gia đình tôi sống ở thành phố, sáng bước ra khỏi nhà qua bên kia đường là có quán bán cháo đậu xanh, cá kho. Cá kho “cao cấp” ướp sa tế, hành phi lại còn nêm thêm hạt nêm… Nhiều người đổ xe ô tô, dựng xe tay ga loại xịn, ăn xong đến cơ quan làm việc.

Má tôi ngày trước, sáng, nấu nồi cháo trắng chan nước cá kho, ăn xong đi làm đồng.

Theo Thời Báo Kinh tế Sài Gòn

0 BÌNH LUẬN