Nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba Jack Ma sẽ từ chức chủ tịch Alibaba Group Holding vào năm 2019, trao quyền điều hành lại cho ông Daniel Zhang, người trở thành CEO cách đây chưa đầy ba năm.
Theo Bloomberg, sau nhiều năm lèo lái Alibaba lên hàng doanh nghiệp giá trị nhất châu Á, tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma, năm nay 54 tuổi, quyết định về hưu từ năm sau. Người được ông “chọn mặt gửi vàng” để tiếp quản doanh nghiệp là nhân vật đứng đầu nỗ lực đưa ngành công nghiệp bán lẻ truyền thống bước vào thế kỷ 21: Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang.
Ông Zhang 46 tuổi, là kiểm toán được chứng nhận, đã và đang lèo lái sự thay đổi của ngành thương mại Trung Quốc đi từ truyền thống đến chỗ sử dụng công nghệ được gọi là “bán lẻ kiểu mới”. Từ khi nhậm chức cách đây chưa đầy ba năm, ông chứng minh mình là nhà quản lý có tố chất, thiết kế nhiều sự kiện lớn như Ngày lễ độc thân giảm giá mua sắm. Cổ phiếu Alibaba tăng 87% trong thời gian ông Zhang làm CEO. Alibaba hiện có giá trị thị trường khoảng 420 tỉ USD, vượt vốn hóa Tencent Holdings.
Ông Zhang được biết đến là người có bộ óc tài chính hơn là người có tầm nhìn công nghệ như tỉ phú Ma. Ông là giám đốc tài chính (CFO) kỳ cựu, hoạt động ít ồn ào hơn sếp của mình là Jack Ma, người vốn đi rộng đi xa, đến các sự kiện trên toàn cầu, đến gặp gỡ những người đứng đầu các quốc gia và người nổi tiếng.
Tỉ phú Ma tuyển ông Zhang từ hãng giải trí khổng lồ Shanda Interactive Entertainment vào năm 2007. Đây là động thái khiến ông Ma phải đến nhà của Chen Tianqiao, nhà sáng lập Shanda để ăn tối và xin lỗi vì ông Chen là bạn lâu năm và doanh nhân nổi tiếng Đại lục.
|
Ông Chen chia sẻ khi được phỏng vấn hôm 10.9: “Hồi ấy Alibaba vẫn là doanh nghiệp tư nhân nhỏ, vì thế quyết định đầu quân cho thấy ông Daniel cũng là một người nhìn xa trông rộng”.
Jack Ma công bố kế hoạch chuyển giao quyền điều hành công ty trong sinh nhật lần thứ 54 của mình, chuẩn bị khép lại sự nghiệp kéo dài hai thập niên, xây dựng Alibaba thành một trong các doanh nghiệp nổi tiếng và thành công nhất Trung Quốc. Alibaba “quét” eBay ra khỏi Đại lục và làm lu mờ cái tên Amazon trên sân nhà. Trên đường xây dựng Alibaba, tỉ phú cũng tạo ra dịch vụ thanh toán và hãng tài chính lớn trị giá 150 tỉ USD Ant Financial.
Ông Zhang giờ đây phải chỉ đạo công ty lớn nhất Trung Quốc ở nước ngoài. Alibaba có tiến bộ ở các thị trường như Đông Nam Á, nhưng còn rất lạ với người tiêu dùng phương Tây. Ông Zhang sẽ có quyền lực mạnh mẽ để đưa Alibaba ra trường quốc tế một khi nhậm chức chủ tịch kiêm CEO vào năm sau.
“Ông Jack Ma nói rằng CFO không là CEO giỏi, song ông Daniel là ngoại lệ. Thách thức bây giờ sẽ là làm thế nào Alibaba có thể mở rộng ra ngoài châu Á”, nhà phân tích Mitchell Kim thuộc Kim Eng Securities nhận định.
Một trong các nỗ lực đặc biệt của ông Zhang trong ba năm làm lãnh đạo doanh nghiệp là thúc đẩy sự chuyển đổi hoạt động mua sắm kiểu cũ sang hoạt động mua sắm dùng phân tích dữ liệu để quản lý kho hàng và vận chuyển. Đây là nỗ lực thúc đẩy hơn 8 tỉ USD giá trị thương vụ trong vài năm, liên quan đến các chuỗi bán lẻ truyền thống như Suning.
|
Nỗ lực trên ghi nhận sự đi lên nhanh chóng và mạnh mẽ trong sự nghiệp của ông Zhang. Ông bước vào Alibaba năm 2007 với tư cách CFO cho Taobao. Ông chứng minh năng lực cá nhân bằng cách biến Taobao thành Tmall, nơi bán hàng chất lượng cao hơn và trực tiếp từ các hãng có tên tuổi, sau đó. Dịch vụ này giúp Alibaba thay đổi hình ảnh, được Mỹ xóa khỏi danh sách “các thị trường xấu” vào năm 2012 (dù hãng bị đưa vào danh sách này lại trong năm 2016).
Đầu tháng này, ông Zhang viết một bài xã luận cho CNBC, trong đó nhắc đến cách lãnh đạo của mình. Ông có góc nhìn khá lạ với tư tưởng “mua, đừng đặt cược”: “Nếu bạn muốn giành chiến thắng trong một cuộc đua, điều quan trọng hơn là mua một con ngựa chứ không phải là đặt cược vào con ngựa”.
Sự thăng tiến của Zhang giúp ông vượt qua nhiều sếp lớn khác trong Alibaba, những người làm việc cùng tỉ phú Ma trong một thập niên hoặc hơn. Một trong số này là nhân viên thân tín của ông Ma, ông Joseph Tsai, năm nay cũng 54 tuổi và tiếp tục giữ chức phó chủ tịch công ty. Một người nổi bật khác là Lucy Peng, sếp quản lý Lazada ở châu Á.
Dù thăng tiến thần tốc tại hãng lớn nhất nhì Trung Quốc, ông Zhang vẫn nhớ nơi mình khởi nghiệp. Sếp Chen của công ty Shanda chia sẻ: “Nhiều năm sau khi rời Shanda, ông ấy vẫn sắp xếp thời gian tham gia buổi gặp gỡ của các cựu nhân viên công ty và phát biểu. Thật cảm động”.
Theo Thanh Niên