Muốn được nể trọng, hãy tự tin lên và đây là 5 bí quyết để bạn làm điều đó

0
624

Thành công và được người khác nể trọng chắc chắn không phải món quà dành cho những người thiếu tự tin. Do đó, nếu muốn thành công, hãy tự tin lên.

Công bằng mà nói, những người tự tin luôn được nhận xét là hấp dẫn, đáng tin cậy và thành công hơn người khác, chưa kể năng lực thật sự của họ như thế nào. Tuy nhiên, nếu như bạn chưa sở hữu sự tự tin mà mình ao ước, cũng chẳng sao cả. Bởi vì, không ai sinh ra mà có sẵn hay thừa sự tự tin cả. Nếu một người trông thật tự tin, đó là do họ đã nỗ lực rèn luyện không ngừng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần luyện tập, bạn cũng có thể trở thành người tự tin và dưới đây là 5 bí quyết để bạn làm điều đó.

1. Sử dụng nguyên tắc 5 giây

Đây là một khái niệm được khởi xướng bởi nữ diễn giả người Mỹ Mel Robbins trong cuốn sách truyền động lực sống của cô mang tên The 5 Second Rule: Transform your Life, Work, and Confidence with Everyday Courage. Được biết, cuốn sách của Robbins đứng thứ 6 trong Top 10 cuốn sách thuộc thể loại non-fiction (người thật việc thật) được đọc nhiều nhất trên Amazon vào năm 2017. Về cơ bản, nguyên tắc 5 giây giúp chúng ta xây dựng sự quyết đoán thông qua sự giới hạn thời gian ra quyết định cho một việc gì đó xuống vỏn vẹn 5 giây.

Cụ thể, Robbins khuyên khi cần phải quyết định xem bạn có nên làm một việc nào đó hay không, chỉ dành ra đúng 5 giây để quyết định và không suy nghĩ thêm hay do dự, đắn đo về nó. Thông thường, tình trạng phân vân về một vấn đề nào đó xuất phát từ việc chúng ta dành quá nhiều thời gian để nghĩ về nó. Càng nhiều thời gian suy nghĩ sẽ kéo theo càng nhiều phân tích; càng phân tích thì bản thân càng lười và cứ thế ta sẽ trì hoãn mãi.

Thế nên, nguyên tắc 5 giây tập cho bạn thói quen ra quyết định nhanh chóng hơn, để từ đó giải quyết công việc hiệu quả hơn. Lâu dần, chính sự hiệu quả trong giải quyết công việc sẽ giúp bạn tự tin hơn. Bạn có thể áp dụng nguyên tắc 5 giây như sau: Khi muốn làm một việc gì hay ra quyết định nào đó, hãy đếm ngược từ 5 đến 1. Trước khi đếm đến 1, hãy thực hiện nó ngay.

2. Đi du lịch nhiều hơn

Những người ưa thích du lịch tự túc hay chủ nghĩa xê dịch nói rằng họ cảm thấy bản thân phát triển hơn khi dành thời gian đi du lịch. Những địa điểm mới, con người mới và tình huống mới trong chuyến hành trình sẽ giúp định hình tính cách của bạn. Khi bị đặt trong hoàn cảnh xa lạ, bạn buộc phải tận dụng hết khả năng để tự mình xoay sở và vượt qua mọi vấn đề phát sinh, thậm chí là cả những việc mà trước đây bạn cho rằng bản thân không thể làm được. Từ đó, du lịch, đặc biệt là du lịch tự túc, sẽ giúp bạn trở nên can đảm và tự tin hơn.

3. Ngừng lo lắng người khác nghĩ gì về mình

Đây là một nỗi lo có thật. Phàm là người, ai cũng muốn được người khác yêu quý và chấp nhận. Do vậy, chúng ta thường có xu hướng quá lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình, đặc biệt khi chúng ta phạm phải sai lầm hay mắc lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế, suy nghĩ của người khác lại không hề trầm trọng như những gì bạn tưởng tượng.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Tâm lý học Tính cách và Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology), 3 nhà nghiên cứu Kenneth Savitsky, Nicholas Epley và Thomas Gilovich cho biết: Nỗi sợ “bị mất mặt” khi làm hỏng một việc gì đó thường được phóng đại lên gấp nhiều lần. Trên thực tế, người khác nghĩ về nó không quá to tát như những gì mà bạn tưởng tượng trong đầu.

Lo lắng quá nhiều người khác nghĩ gì về mình sẽ khiến bạn có suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Nó tác động đến sự thoải mái của bạn khi ở cạnh người khác và cướp mất đi sự tự tin của bạn. Đừng để nỗi sợ vô căn cứ này cản trở cuộc sống và khiến bạn đánh mất sự tự tin.

4. Quan tâm đến trang phục và ngoại hình

Tin hay không tùy bạn, song những người xung quanh sẽ đánh giá bạn ngay sau vài giây gặp mặt. Và, thông thường, những đánh giá ấy phần lớn đều dựa trên ngoại hình của bạn. Trong đó, trang phục là yếu tố có tác động lớn đến ấn tượng ban đầu của người khác lẫn hành vi của bản thân bạn.

King&Allen – một thương hiệu thời trang ở nước Anh – đã tiến hành một khảo sát như sau: Họ lựa chọn 20 người đàn ông trong độ tuổi từ 28 – 38 với đa dạng vóc người, khuôn mặt và màu da. Sau đó, mỗi người đàn ông được chụp 6 tấm hình, trong đó, có 3 tấm với trang phục thường và 3 tấm với một bộ suit (com-lê). Dĩ nhiên, ánh sáng, dáng bộ và phông nền của 6 bức ảnh đều như nhau. Khác biệt duy nhất chỉ nằm ở trang phục mà thôi.

Tiếp theo, nhóm khảo sát gửi những bức ảnh này cho hàng trăm người phụ nữ trên các trang web hẹn hò. Và, kết quả thật đáng ngạc nhiên: 80% phụ nữ cảm thấy người đàn ông mặc suit trông hấp dẫn hơn. Và, khi được xem ảnh của cùng một người đàn ông đó nhưng trong bộ trang phục thường, họ cho rằng bộ suit làm những người đàn ông hấp dẫn hơn ít nhất là 12%.

Còn Abraham Rutchick – giáo sư tâm lý học của trường đại học bang California và là một trong số các tác giả của nghiên cứu The Cognitive Consequences of Formal Clothing (Tác động của quần áo trang trọng đến nhận thức) – cho biết: “Mặc trang phục lịch sự, trang trọng khiến chúng ta cảm thấy có uy quyền hơn và làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận những thứ xung quanh”.

Thực tế, những người đàn ông mặc suit luôn được đánh giá là tự tin hơn, thành công hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Còn những người phụ nữ ăn mặc xuề xòa tại nơi làm việc cũng bị đánh giá thấp hơn những cá nhân ăn mặc chỉn chu và có phong cách. Và, khi khoác lên mình bộ trang phục toát lên phong thái tự tin như thế, bạn cũng đã “mặc luôn” cả sự tự tin cho mình, dù bản thân có ý thức được hay không.

5. Tích lũy kiến thức và học cách kể chuyện

Một trong những lý do khiến chúng ta mất tự tin thường đến từ việc không biết phải nói gì hay dẫn dắt câu chuyện như thế nào khi giao tiếp với người khác. Lúc đó, cảm giác cụt hứng, hoảng loạn có thể nảy sinh và lâu dần, nó khiến bạn đánh mất đi sự tự tin của mình.

Nguyên do của tình trạng này xuất phát từ việc đôi bên không có nhiều điểm chung, từ việc bạn không có sự chuẩn bị trước hay do nội hàm trải nghiệm của bạn quá ít. Hãy thử nghĩ xem, nếu bạn chỉ dành thời gian hằng ngày để nằm nhà xem phim và lặp đi lặp lại một công việc đơn điệu, làm thế nào mà bạn có thể tự tin chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm của mình được đây? Thế nên, để có thể tự tin, ít nhất là trong giao tiếp, bạn cần phải có cái để chia sẻ đã. Hãy giao thiệp với những người bạn thú vị, chơi thể thao, theo đuổi một sở thích nào đó; những việc tưởng chừng không liên quan thế này thực chất lại rất có ích cho sự tự tin của bạn.

Tiếp theo, khi lượng kiến thức, thông tin tích luỹ đã có, hãy biến chúng trở thành một câu chuyện, bởi lẽ không có điều gì dễ đi vào lòng người hơn là một câu chuyện thú vị. Thực tế, phần lớn các bài diễn thuyết sở hữu nhiều người xem nhất từ TED Talks (nơi tập hợp những bài diễn thuyết được ghi hình tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED) có 65% là kể chuyện, 25% là các con số và chỉ 10% còn lại là giải thích hoặc củng cố quan điểm.

Tiến sĩ Paul J. Zak – Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học Thần kinh của trường Đại học Claremont Graduate – trong bài viết Why Your Brains Loves Good Storytelling trên tạp chí Havard Business Review – cho biết: Những câu chuyện chạy theo cảm xúc, kể về một nhân vật nào đó không cụ thể, giúp quá trình tổng hợp hormone oxytocin được diễn ra liên tục. Theo tiến sĩ Paul J. Zak, khi bạn khiến cho ai đó tin tưởng hay làm họ cảm nhận được sự tử tế, oxytocin sẽ được tiết ra và nó giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa người với người.

Thế nên, để thành công trong giao tiếp, bạn cần phải biết học cách kể chuyện. Và, chính sự thành công này sẽ là chìa khoá giúp bạn tự tin hơn.

Theo DNSG