“Cuối năm nay, nếu họ trả lương hưu bằng tiền mặt, thì để mua nửa hộp trứng, chúng tôi sẽ phải đem theo xe đẩy (chở tiền)”, người dân Venezuela chia sẻ.
Cả tháng lương đủ mua 1 kg thịt
Cách đây 2 năm, người dân Venezuela thường trả cho những người bán trái cây như Jose Pacheco những thùng chứa đầy đồng bạc 100 bolivar – mệnh giá cao nhất lúc bấy giờ. Nhưng giờ đây, do tình trạng siêu lạm phát, ngay cả những thùng tiền như vậy cũng vô dụng.
“Có mà điên mới nhận những tờ 100, 500, 1000 bolivar”, Pacheco, một người bán trái cây ở Ciudad Guayana nói. Hiện giờ, ông chỉ chấp nhận những tờ 100.000 bolivar mới sản xuất. “Nếu không thì sẽ là một hộp đầy tiền mà sau đó chúng tôi phải đem tới ngân hàng”.
Venezuela, nước có trữ lượng dầu lớn nhất hành tinh, đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm, khiến nhiều người dân không đủ tiền để mua thực phẩm, thuốc men, trong khi các quầy hàng siêu thị trống rỗng. Tỷ lệ tội phạm tiếp tục leo lên mức kỷ lục. Người dân địa phương không dám rời khỏi nhà vào buổi đêm.
Đối với những người dân thường Venezuela, cuộc sống thường ngày trở nên vô cùng chật vật.
“Chúng tôi là những triệu phú, nhưng chúng tôi nghèo”, Maigualida Oronoz, một người làm nghề y tá nói. Mức lương tháng tối thiểu của chị là 5 triệu bolivar – chỉ đủ để mua 1 kg thịt cho gia đình.
“Chúng tôi có thể lo chuyện ăn uống, nhưng nếu có vấn đề về sức khỏe thì chúng tôi sẽ chết bởi giá thuốc cao ngất ngưởng và tăng mỗi ngày”.
Lạm phát 1 triệu %
Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ lạm phát của Venezuela có thể tăng lên tới 1 triệu % tính đến cuối năm nay nếu Chính phủ nước này tiếp tục in tiền để bù đắp cho lỗ hổng chi tiêu ngày càng lớn.
Tình trạng khủng khoảng có thể so sánh với Đức năm 1923 hoặc Zimbabwe cuối những năm 2000, ông Alejandro Werner, Giám đốc khu vực Tây bán cầu của IMF cho hay. Ông Werner cho rằng, nền kinh tế Venezuela sẽ co thêm 18% năm 2018, trong khi sản xuất dầu sụt giảm rõ rệt.
“Hoạt động kinh tế suy sụp, siêu lạm phát và tình trạng sụt giảm hàng hóa dự trữ cũng như thiếu hụt lương thực ở mức trợ giá đã gây ra những dòng chảy di cư lớn. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng”, ông Werner nhận định.
Venezuela đã lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kể từ khi giá dầu thô sụt giảm cách đây gần 4 năm và chính quyền không chịu thực hiện các bước cải cách kinh tế. Động thái kiểm soát tỷ giá và giá cả chỉ khiến tình hình thêm trầm trọng.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định, cuộc khủng hoảng là kết quả của một “cuộc chiến tranh kinh tế” do các đối thủ chính trị của ông tiến hành. Ông Maduro cáo buộc rằng, các ngân hàng tư nhân đang tuồn tiền sang nước Colombia láng giềng để thực hiện âm mưu phá hoại nền kinh tế Venezuela.
Để có một góc nhìn vào tình trạng lạm phát của Venezuela, Bloomberg đã tạo ra một “thước đo” đặc biệt: Chỉ số Bloomberg Cafe Con Leche. Đúng như tên gọi, chỉ số này theo dõi mức giá của một thứ duy nhất. Đó là một cốc cafe được bán ra tại một tiệm bánh ở Đông Caracas.
Theo đó, mức giá của cốc cafe đã tăng lên tới 1.400.000 bolivar từ 2.300 boliva trong vòng 12 tháng qua, tức là lạm phát hơn 60.000%, và còn đang tăng tốc rất nhanh. Tỷ lệ lạm phát trong vòng 3 tháng gần đây đã tới gần mức 300.000%.
Ngày nay, 1 triệu bolivar gần như không có nghĩa lý gì cả. Khi đổi sang đồng USD, số tiền này chỉ tương đương với gần 29 cent (khoảng 6.000 đồng). Sự tương phản này cho thấy tình trạng lạm phát nghiêm trọng của Venezuela ở thời điểm hiện tại.
Đem xe đẩy chở tiền đi mua… trứng?
Một trong số các kế hoạch của ông Maduro nhằm giảm bớt lạm phát là phát hành các đồng tiền mới, cắt 3 số 0 ở cuối, mặc dù các nhà kinh tế cho rằng động thái này sẽ không mấy hiệu quả.
“Với mức lạm phát điên rồ như vậy thì chỉ trong vài tháng là chúng ta sẽ quay trở lại tình trạng này”, Asdrubal Oliveros, giám đốc trung tâm tư vấn kinh tế Ecoanalitica nhận định.
Không giống với Đức những năm 1920, ngày nay, người Venezuela không đem xe đẩy chở tiền đi mua thực phẩm. Thay vào đó, họ chuyển sang các phương thức giao dịch điện tử. Tuy nhiên, 40% người Venezuela không có tài khoản ngân hàng và số khác không sẵn sàng dùng thẻ tín dụng hoặc bitcoin, nên việc đổi chác trở nên phổ biến.
“Nghịch lý ở chỗ đây là một đất nước đang trải qua khủng hoảng lạm phát nghiêm trọng và không ai thực sự có tiền”, Geoff Ramsey thuộc trung tâm phân tích Washington về Mỹ Latinh nói, “Bạn sẽ thấy người giàu có trả tiền đỗ xe bằng các thanh yến mạch”.
Những người chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng là những người hưởng lương hưu, nhận lương tháng bằng tiền mặt. Saul Aponte, một người đã về hưu, cho biết, hiện giờ để mua nửa hộp trứng thì ông phải trả bằng 20 tờ 100.000 bolivar.
“Cuối năm nay, nếu họ trả lương hưu bằng tiền mặt, thì để mua nửa hộp trứng ấy, chúng tôi sẽ phải đem theo xe đẩy (chở tiền)”, ông Aponte nói.
“Tôi không biết chúng tôi có thể tồn tại như thế này bao lâu nữa”, chị Elisa Gonzalez, sống ở Ciudad Guayana, chia sẻ, “Dù có tiền hay không thì những gì bạn kiếm được chẳng đủ để trả tiền học phí cho con… còn chi phí ăn uống thì đúng là nhiệm vụ bất khả thi”.
Theo Kenh14