Google, Facebook, Amazon và thời đại độc quyền kiểu mới

0
789

Có nên biến các công ty công nghệ thành một dạng “dịch vụ công ích” kiểu như điện hay nước?

Thử tưởng tượng một tương lai không xa khi cơ quan chống độc quyền yêu cầu Facebook phải bán lại Instagram và WhatsApp. Thử tưởng tượng khi kho lưu trữ và dịch vụ vận chuyển của Amazon đang độc chiếm thị trường thì công ty này lại phải chia nhỏ như AT&T. Thử tưởng tượng công cụ tìm kiếm Google hay Youtube trở thành dịch vụ độc quyền có điều tiết, y như điện và nước.

Biên lợi nhuận, vị thế thống trị thị trường, và tầm ảnh hưởng của Facebook, công ty mẹ của Google – Alphabet, và Amazon, theo các nhà kinh tế và lịch sử học, cho thấy các công ty này đang phát triển thành những đế chế độc quyền kiểu mới. Có lẽ chưa cần đến những biện pháp mạnh từ cơ quan quản lý, nhưng một khi họ củng cố quyền kiểm soát thị trường của mình, những hậu quả tiêu cực đối với sự đổi mới và tính cạnh tranh đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Lấy ví dụ, đã có nhà sử học so sánh Amazon, Facebook với Standard Oil, vì các công ty này đều muốn đánh bại đối thủ và thậm chí cả các nhà cung cấp của họ thông qua việc .

Richard du Boff, giáo sư danh dự về lịch sử kinh tế tại trường ĐH Bryn Mawr nói, Google, Facebook và Amazon cũng tương tự như một công ty độc quyền khác, Western Union, “ông lớn” của ngành điện tín.

“Điều mà Western Union luôn làm là quét sạch các đối thủ trên thị trường, dù là thâu tóm hay bằng bất kì biện pháp gì. Động cơ chính, theo như tôi thấy, chính là sự độc tôn trên thị trường.”

Chủ tịch Microsoft, Bill Gates, được yêu cầu điều trần trước Quốc hội năm 1998 về việc công ty của ông có đang độc chiếm thị trường phần mềm hay không. Ảnh: Jessica Persson / Agence France-Presse / Getty Images.

Tuy nhiên, các chuyên gia không đánh đồng Apple với các đế chế độc quyền mới. Tương tự như Microsoft hay Intel, Apple được đánh giá là dễ bị tổn hại trong tình trạng thị trường đang bị xâu xé, dù thực tế thì đây là công ty công nghệ đứng đầu thế giới về doanh thu, lợi nhuận, và vốn hóa thị trường.

Ngày nay, các nhà độc quyền khác xa với những ông trùm cướp bóc thời xưa bởi họ không hoàn toàn hành động kiểu như Andrew Carnegie: cho đội bảo vệ có vũ trang xả súng vào công nhân tham gia bãi công. Và các nhà quản lí không đặc biệt để tâm nếu một công ty trở thành độc quyền trừ khi điều đó gây hại cho cộng đồng hay cản trở đổi mới sáng tạo. Nhưng với những luận điểm này, nhiều người cáo buộc rằng có một sự cấu kết giữa các nhà cầm quyền và các công ty độc quyền. Hãy nhìn cái cách mà Google và Facebook thống trị việc thu thập dữ liệu người dùng, hay quyết định đáng ngờ về mặt đạo đức của Facebook nhằm công bố một lượng lớn thông tin cá nhân của khách hàng cho các nhà phát triển.

Facebook và Google

Lí do mà nguồn điện bạn sử dụng đến từ một nguồn độc quyền được kiểm soát là bởi xây dựng một mạng lưới điện rất đắt đỏ, nhưng cung ứng nhiều điện hơn cho các khách hàng mới thì không. Một cách khác để đánh giá tình trạng độc quyền là rào cản gia nhập thị trường.

Google và Facebook cùng nhau nắm giữ 73% thị trường quảng cáo trực tuyến ở Mỹ. Đây có thể không phải là điều bạn thường nghĩ đến, nhưng thành công này phần lớn dựa trên thực tế là cả hai đã đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các trung tâm dữ liệu và trang bị đầy đủ các phần cứng và phần mềm do những kĩ sư ưu tú nhất thiết kế. Bằng cách này, họ cũng tương tự như các “ông lớn” ngành bưu chính với những khoản đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng đến mức không một công ty mới nổi nào có thể bắt kịp họ.

Họ cũng được hưởng lợi từ một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử: khả năng sử dụng người dùng như một nguồn lao động miễn phí khổng lồ. Hệ thống của họ vận hành bằng thông tin cá nhân, nhưng thay vì họ phải bỏ công đi tìm, người dùng sẵn sàng cung cấp cho họ.

Google và Facebook cùng nhau nắm giữ 73% thị trường quảng cáo trực tuyến ở Mỹ. Ảnh: James Martin / CNET.

Glen Weyl, nhà nghiên cứu cao cấp ở Yale, cũng là nhà nghiên cứu chính của Microsoft Resaerch, cho rằng, mạng xã hội cũng là một cách thâu tóm thị trường, và Facebook là người thành công nhất. Về chức năng cơ bản, mạng xã hội này gần như không thay đổi trong suốt một thập kỷ, nhưng nó đã thu về đủ lợi nhuận để mua lại (Instagram, Whatsapp) hay bắt chước (Twitter và Snapchat) các đối thủ nặng ký của mình.

Có bằng chứng sơ bộ cho thấy qui mô thị trường quảng cáo trực tuyến có thể phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của Google và Facebook. Công ty nghiên cứu eMarketer dự đoán vào tháng Ba tới thị phần ngành quảng cáo của hai công ty này sẽ lần đầu sụt giảm.

Người phát ngôn của Facebook cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các công nghệ mới thay đổi cách mọi người kết nối với nhau. Facebook chỉ là một phần trong hệ sinh thái bao gồm hàng chục sản phẩm nhắn tin, ứng dụng chia sẻ hình ảnh, và các dịch vụ khác. Mức độ phổ biến không đồng nghĩa với việc thống lĩnh thị trường, và thị phần không đảm bảo sự thành công trong tương lai.”

Amazon

Kim Wang từ Trường Kinh doanh Sawyer thuộc Đại học Suffolk, cho rằng, với sự bành trướng và tham vọng của mình, Amazon đã cho ta thấy thế nào là độc quyền kiểu cổ điển. Amazon có vẻ quyết tâm biến mở rộng thế thống trị từ điện toán đám mây và bán lẻ trực tuyến sang cả bán lẻ qua hệ thống cửa hàng, vận chuyển hàng hóa, điều khiển máy tính thông qua giọng nói và hàng loạt ngành nghề khác.

Hiện tại Amazon chiếm đến 44% thị trường thương mại điện tử ở Mỹ, và đang tăng trưởng nhanh chóng ở những thị trường từng thất bại trước đây, như hàng hiệu và thực phẩm. Điều này đã thuyết phục các đối thủ cạnh tranh trước đây hợp tác với Amazon, bằng cách tích hợp các hoạt động kinh doanh từ đặt hàng đến vận chuyển – và có thể một ngày nào đó kết hợp thêm cả sản xuất.

Hiện tại Amazon chiếm đến 44% thị trường thương mại điện tử ở Mỹ. Ảnh: Ken James / Bloomberg.

Nếu sự phát triển chóng mặt của Amazon tiếp tục lấn sang các lĩnh vực kinh doanh khác, thật khó để hình dung ra cách nào có thể phá vỡ sự độc tôn này.

Jeff Wilke, Giám đốc của Amazon về mảng kinh doanh với khách hàng trên toàn cầu, cho biết, trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh, Amazon đang có một “cuộc cạnh tranh đáng kinh ngạc”.

Gần đây, ông đã trả lời tờ Journal: “Trong thị trường bán lẻ toàn cầu, chúng tôi có ít hơn 1% thị phần. Tôi không nghĩ bất kì cuộc cạnh tranh nào trong những lĩnh vực này giống như một trận bóng, nơi chỉ có duy nhất một kẻ chiến thắng.”

Apple

Các chuyên gia cho biết, mặc dù Apple có thể tăng mức lợi nhuận khổng lồ của mình trong ngành công nghiệp di động, rất khó để nhìn nhận Apple ở thế độc quyền chỉ bằng việc đánh giá thị phần.

“Hiệu ứng mạng lưới” (network effects) xảy ra khi việc tăng thêm người dùng mới tạo ra giá trị cho một sản phẩm – dù cho là máy fax hay facebook. Với Apple, quy mô của nền tảng khách hàng tạo nên sức hấp dẫn với các nhà phát triển, và chính họ lại góp phần nâng cao giá trị của iPhone và iPad.

Catherine Tucker, giáo sư về quản lí và marketing ở Trường Quản lý MIT Sloan, cho biết, Microsoft từng có một nền tảng với thế thống trị tương tự, và nhiều người tin rằng hiệu ứng mạng của nền tảng khách hàng rộng lớn và sức hấp dẫn với các nhà phát triển có thể giúp hãng này duy trì vị thế độc tôn .

Theo Tiến sĩ Tucker, chúng ta đã đánh giá sai về “hiệu ứng mạng lưới”, và chúng ta đã không nhận ra rằng hiệu ứng này cũng có thể giúp các công ty khởi nghiệp phá hủy vị thế của những người khổng lồ như Microsoft. “Hiệu ứng mạng lưới” giúp các dòng điện thoại thông minh như iPhone nhanh chóng trở nên phổ biến, điều này làm ảnh hưởng đến nền tảng của Microsoft’s Office và Windows.

Ngay cả việc Apple sở hữu iTunes, đồng nghĩa với việc tiếp quản ngành công nghiệp âm nhạc, cũng là minh chứng cho một xu hướng thoáng qua, như việc Spotify và các dịch vụ trực tuyến khác lên ngôi.

Mẫu Apple iPhone X được trưng bày trong sự kiện giới thiệu sản phẩm ở Cupertino, California, năm ngoái. ẢNh: Stephen Lam / Reuters.

Bước khởi đầu

Không phải tất cả đều đồng ý rằng Facebook, Google, hay Amazon, với tiềm lực mạnh như hiện nay, cần được kiểm soát hơn nữa.

Tiến sĩ Wang: “Sẽ có ngày Amazon cũng suy tàn. Rất hiếm công ty có thể duy trì vị thế của mình mỗi khi công nghệ mới ra đời.” Cô cũng cho biết, công nghệ mang đến cho các hãng một lợi thế mà rốt cuộc đều nằm trong tầm với của các đối thủ cạnh tranh.

Trong lịch sử tất cả các ngành công nghiệp độc quyền, dù là dầu mỏ, đường sắt, thép hay đồ gia dụng, ngay cả những đối thủ tham vọng nhất cũng mất hàng thập kỉ để củng cố thị phần của họ trong thị trường. Kể cả với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, hiện giờ vẫn chỉ là bước khởi đầu của các “ông lớn” công nghệ.

Tiến sĩ Weyl nói: “Các công ty thường đi theo một trong hai cách – một số nhảy vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận giảm dần theo qui mô và họ bị kiểm soát bởi chính quy luật này của thị trường. Số khác chỉ có thể bị kiểm soát khi bị biến thành một “dịch vụ công ích” kiểu như điện hay nước. Chưa tới lúc đó, họ còn thu về lợi nhuận khủng khiếp”.

Minh Trang / WSJ
Theo: Trí thức trẻ