Trang chủ CẢM NHÂN Bàn về chuyên nghiệp

Bàn về chuyên nghiệp

0
1572

Chuyên nghiệp là gì?

Chuyên nghiệp là tính từ được sử dụng khá nhiều trong thời gian gần đây. Các đối tác khen nhau là chuyên nghiệp, nhân viên nhận xét Sếp là “prồ”, rồi ngay cả bạn bè cũng thế: “Tay đó chuyên nghiệp lắm!”

Tất cả mọi người khi nói và nghe chữ chuyên nghiệp đều chia sẻ với phía bên kia cùng một cảm nhận về đối tượng được nhắc đến và đồng ý rằng đối tượng ấy có chuyên nghiệp hay không. Rõ ràng là có một dấu hiệu chung nào đó cho sự chuyên nghiệp. Nhận xét này có lẽ thừa, bởi cả thế giới đều nói đến chuyên nghiệp, mà trong tiếng Anh là professional, với cùng một cách như nhau!

Thử tò mò một chút, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi: Chuyên nghiệp là gì nhỉ? Xem người ta nói gì về chuyên nghiệp nhé:

“Theo tôi, sự chuyên nghiệp là làm việc phải có kế hoạch, mọi thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, làm việc phải nhanh và chính xác”.

“Người chuyên nghiệp là người tôn trọng tính kỷ luật, mọi công việc phải có kế hoạch và hoàn thành theo đúng kế hoạch”.

“Chuyên nghiệp thể hiện sự chuyên môn hoá, mọi cơ chế và hệ thống quản lý, tác nghiệp được cụ thể hoá một cách rõ ràng. Đồng thời sự chuyên nghiệp còn thế hiện thông qua việc áp dụng nhiều tiến bộ của khoa học công nghệ vào công việc. Ngoài ra người chuyên nghiệp còn là người có tinh thần trách nhiệm”.

Có nên tổng kết các ý kiến này thành một câu ngắn: “Chuyên nghiệp là biết rõ việc mình làm và làm đúng việc cần phải làm”?

Nhưng nếu vậy, có người sẽ bảo rằng định nghĩa này thiếu sót, bởi có khi người ta chỉ nhìn trang phục, phong thái của một người hay một tập thể nào đó là đã thấy họ chuyên nghiệp rồi, chưa cần biết họ làm gì. Nhưng định nghĩa thế vẫn ổn đấy chứ: tạo ấn tượng tốt cho người khác là một việc phải làm và ăn mặc để đạt được ấn tượng tốt là làm đúng việc đó rồi còn gì. Từ đó suy rộng ra thì không chỉ trang phục và phong thái mà còn nhiều thứ khác có thể làm nên sự chuyên nghiệp, từ những công cụ làm việc truyền thống là máy móc thiết bị đến những công cụ thời hiện đại là các khuôn dạng tài liệu. Hẳn nhiên, sử dụng công cụ chuyên nghiệp phải là những bàn tay chuyên nghiệp. Mọi sự vênh lệch đều có thể đặt các chủ thể vào tình huống thiếu chuyên nghiệp!

Định nghĩa về sự chuyên nghiệp ở trên có thể áp dụng cho cả con người và hệ thống quản lý. Trên thực tế, con người chuyên nghiệp và hệ thống quản lý chuyên nghiệp là không thể tách rời, chúng có quan hệ tương sinh hai chiều: con người chuyên nghiệp xây dựng nên hệ thống chuyên nghiệp và hệ thống chuyên nghiệp đào luyện nên những con người chuyên nghiệp.

Chuyên nghiệp để làm gì?

Bây giờ lại cần xét đến câu hỏi: Chuyên nghiệp để làm gì? Nếu thiếu chuyên nghiệp thì có sao không? Thay cho câu trả lời, xin được kể một câu chuyện nhỏ về cửa tiệm sửa xe quen nơi góc đường.

Cửa tiệm có từ lâu, bắt đầu với ông bố; ông cụ mở cửa hàng sửa xe từ khi còn trẻ, nay các con của ông cũng đã có người tóc muối tiêu. Ba anh con trai đều theo nghề bố và họ chỉ có một cửa hàng. Ông bố tập cho con mình tính ngăn nắp từ khi vừa mới theo nghề. Đồ đạc món nào xếp ra món đó; dụng cụ ngay ngắn trên giá, đúng chỗ đúng loại; các con ông và mấy anh thợ đều cùng một thói quen: làm đến đâu dọn sạch đến đó, không để bất cứ cái gì vương vãi trên sàn. Khách vào ấn tượng lắm, bởi mấy khi thấy một tiệm sửa xe ngăn nắp như thế.

Một ngày, sau một thời gian dài nằm bệnh, ông cụ lại đến tiệm. Vừa vào đến nơi, nhìn quanh một vòng đã thấy nét mặt ông không vui, nhưng không thấy ông nói gì, chỉ ngồi xem mấy anh con trai làm việc. Ông thấy họ bối rối hơn và biết rằng không phải do sự hiện diện của ông. Chỉ đến lúc anh con trai út quay ra quay vào vài ba bận mới lấy được chiếc cờ-lê để vặn một con ốc khó của chiếc xe mới dắt vào thì ông mới lên tiếng: “Các anh có biết nhờ đâu tôi nuôi các anh được đến hôm này không?”. Các con ông hơi ngơ ngác khi nghe câu hỏi. “Nhờ tôi để cái cờ-lê này đúng ở chỗ kia đã mấy chục năm nay”.

Có thể nói, chuyên nghiệp được nhắc đến mọi nơi và trở thành “từ khóa” của thời hiện đại nhưng nó đã có gốc rễ sâu xa từ những nơi giản dị nhất rồi, chứ không đợi đến hôm nay khi chúng ta mặc veston, thắt cravat và xách laptop đi gặp đối tác rồi về tự chấm cho mình là chuyên nghiệp.

Lúc nào cũng hiểu rõ việc mình làm và làm được việc cần phải làm chẳng phải là việc dễ. Hẳn nhiên rồi, bởi trên thực tế, tìm ra một kẻ chuyên nghiệp có bao giờ là dễ đâu!

B.K.H

[fblike layout=”button_count” show_faces=”true” action=”like”][googleplusone size=”small”]

 

0 BÌNH LUẬN