Đây rõ ràng là một cột mốc đáng nhớ, và con đường tiến đến con số 1 nghìn tỷ của Amazon đã được xây dựng từ hơn 25 năm qua. Đó hoàn toàn là sản phẩm do chính chiến lược đầy khéo léo, mưu mẹo và khả năng lãnh đạo xuất thần của Jeff Bezos nhào nặn nên.
Hẳn bạn đang tò mò chiến lược đó là gì? Đường hướng của Amazon được chia thành hai phần rõ rệt, và bất kỳ công ty nào mong muốn gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ đô đều có thể áp dụng:
– Đầu tiên là… đối xử với công nhân một cách thậm tệ. Sử dụng công nghệ để theo dõi nhất cử nhất động của họ, nhằm bóc lột họ đến tận xương tủy. Tước bỏ khỏi họ những thứ cơ bản nhất như quyền được đi vệ sinh, khiến họ phải đi tiểu vào trong những chiếc lọ. Nếu nhân viên xin nghỉ ốm một ngày, lập tức khiển trách họ. Không trả cho họ bất kỳ thứ gì. Nên nhớ, nhân viên của bạn không phải là con người, mà là những bị thịt tự động hóa với mục đích tồn tại duy nhất là cày cuốc để kéo giá cổ phiếu của công ty bạn sở hữu lên cao.
– Tích cực tìm cách… trốn thuế. Xe tải của công ty bạn có thể chạy trên đường do Nhà nước làm nên, và nhân viên của bạn đi học tại các trường công lập, nhưng trả tiền cho những thứ đó ư? Quên đi. Như câu nói nổi tiếng của Leona Helmsley từng nói: “Chúng tôi không nộp tiền thuế; chỉ những kẻ hèn kém mới nộp tiền thuế“. Bạn không phải là một kẻ hèn kém chứ?
Trong những ngày tới đây, các nhà phân tích sẽ bắt đầu nói về sự trỗi dậy thần kỳ của Amazon, và sẽ nhận định rằng điều đó xuất phát từ 2 thứ: Amazon Web Services và nền tảng thương mại điện tử cực kỳ phổ biến và rộng khắp của hãng. Nhưng thành thực mà nói, hai thứ đó chẳng hề liên quan gì đến con số 1 nghìn tỷ kia đâu.
Giống như những gì các công ty dầu mỏ và các tay buôn vũ khí đã chứng minh, việc kiếm ra tiền là cực kỳ dễ dàng khi bạn thực sự không giữ lại chút lương tâm nào, và bạn đã sẵn sàng để thiêu rụi toàn bộ phần còn lại của thế giới. Amazon đạt được con số 1 nghìn tỷ đô, đơn giản vì họ đã tìm ra “chân lý” đó sơm hơn so với bất kỳ hãng nào khác trong giới công nghệ.
Tham khảo: TheNextWeb – Cafebiz