Chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 1 triệu người thuộc thế hệ Y bổ sung vào lực lượng lao động.
Tại Pháp hiện có 16 triệu người thuộc thế hệ Y, còn ở Việt Nam, ước tính trong 3 năm nữa, thế hệ Y sẽ là thành phần lớn nhất.
Họ đang nổi lên là lực lượng lao động chủ lực, được đào tạo tốt nhất nhưng cũng khó quản lý ở nhiều nước trên thế giới. Sự nhạy bén, giỏi công nghệ và biết cách ứng dụng công nghệ là một lợi thế lớn của thế hệ Y. Đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ số, sự linh động và nhạy bén của họ sẽ càng được phát huy.
Tuy nhiên, điểm yếu của thế hệ này là thường thiếu kiên nhẫn, bốc đồng hay đòi hỏi và sức chịu đựng khó khăn kém hơn.
Thế hệ Y sẽ dẫn dắt nguồn nhân lực Việt Nam
Đó là nhận định của Anphabe, công ty chuyên về nhân sự tại Việt Nam. So với các thế hệ đang làm việc cùng là “thế hệ bùng nổ dân số” (sinh từ 1950 -1969) và thế hệ X (sinh từ 1970 -1985), cách suy nghĩ, làm việc và hành xử của thế hệ Y có rất nhiều khác biệt. Họ nhiệt tình và đầy đam mê khi được làm công việc yêu thích. Sự nhạy bén, giỏi công nghệ và biết cách ứng dụng công nghệ là một lợi thế lớn của thế hệ này.
Tuy nhiên, theo Anphabe, điểm yếu của thế hệ Y là thường thiếu kiên nhẫn, vì muốn kết quả nhanh chóng nên hay chọn hướng tiếp cận “được ăn cả ngã về không”. So với các thế hệ trước, họ cũng còn non nớt, bốc đồng hay đòi hỏi và sức chịu đựng khó khăn kém hơn.
Đây là những phân tích đáng suy nghĩ, khi mà thế hệ Y – những người trẻ ra đời trong khoảng từ 1985 đến năm 2000 chiếm tỷ trọng đáng kể với trên 42% nhân lực tại các công ty.
Thách thức của thế hệ Y trong tương lai
Với thuận lợi là sự linh hoạt, kiến thức, thế hệ Y sẽ giải phóng thị trường lao động, tạo ra sức bật cho nền kinh tế nhưng họ cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Thế hệ Y đang tạo ra một sự thay đổi lớn trong cách làm, cách nghĩ về tương lai. Tuy nhiên, 3/4 lao động giá rẻ tại các nước đang phát triển được cho là sẽ bị thay thế bởi robot hoặc không còn cần thiết trong kỷ nguyên số. Khi đó, nguồn lực lao động giá rẻ tại các nước như Việt Nam sẽ không còn là lợi thế.
Với những thuận lợi và thách thức như vậy, chúng ta vẫn tin rằng, thế hệ Y sẽ bứt phá nhanh hơn. Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, một thế hệ Y của Việt Nam cũng đang chứng tỏ tính năng động và cả sự khác biệt. Hãy nghe chính những người trong cuộc nói về mình.
Đã có những ví von rằng xu hướng của “thế hệ Y là xu hướng của những electron tự do”. Họ thích sự thay đổi, thích di chuyển nên có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau, thường xuyên nhảy việc từ công ty này sang công ty khác.
Như vậy, các nhà tuyển dụng sẽ phải chấp nhận “tư duy di động” này của thế hệ nhân viên mới. Thậm chí, chưa có nhiều thời gian thích nghi với thế hệ Y, lại sắp đến lúc đón thế hệ tiếp theo – thế hệ Z, với nhiều điểm khác biệt hơn nữa. Nhưng xu hướng của thế hệ tương lai là như vậy và bài toán thích ứng vẫn là quan trọng.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư