Phập phồng theo dịch heo châu Phi

0
625
Đó là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi heo hiện nay, dù các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch ngăn chặn.
Những ngày qua, ngành thú y liên tục tổ chức các cuộc hội thảo chia sẻ thông tin với người chăn nuôi trong cả nước, sau khi Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ra công điện khẩn ngày 30.8 gửi các ngành, địa phương về các biện pháp phòng dịch tả heo châu Phi (ASF). Hiện dịch này chưa xảy ra ở VN, nhưng đang đe dọa ngành chăn nuôi.
Nông dân lo lắng
Cách đây nửa tháng, anh Trần Minh Hùng ở H.Củ Chi (TP.HCM) mới mua 50 con heo giống nuôi tái đàn, sau một thời gian “treo” chuồng. Mấy ngày gần đây, giá heo hơi dao động từ 51.000 – 53.000 đồng/kg và đang trong xu hướng tăng, anh định tăng đàn thêm khoảng 100 con nữa.
Theo anh Hùng, giá heo trong nước đang tăng lại sắp đến tết, mùa tiêu thụ thịt heo mạnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, ở Trung Quốc đang bị dịch bệnh hoành hành, nên khả năng sẽ thiếu nguồn cung trong thời gian tới. Ngoài ra, lượng thịt nhập khẩu vào Trung Quốc cũng hạn chế vì chiến tranh thương mại. Trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy mà bỏ chuồng trống sẽ rất phí. Nhưng anh lại phân vân vì nếu tăng đàn, rủi ro bị ảnh hưởng dịch bệnh có thể sẽ mất trắng. Ngoài thiệt hại trực tiếp, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến tâm lý người tiêu dùng khiến giá heo không còn thuận lợi như hiện nay. Cứ suy thiệt tính hơn nhiều ngày qua, anh Hùng vẫn chưa dám quyết định. “Trước mắt, tôi tham gia hợp tác xã chăn nuôi heo theo chuẩn VietGAP để được hỗ trợ kỹ thuật, thông tin và đầu ra; đợi thêm ít lâu nữa mới tính tiếp”, anh Hùng nói.
Lo lắng cũng là tâm lý chung của nhiều nông dân nhiều tỉnh, thành. Tại Đồng Nai, vùng chăn nuôi lớn nhất của cả nước, phong trào tái đàn đang chững lại. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Thời điểm này rất nhạy cảm. Bà con nông dân rất lo. Thời điểm trước khi có nhiều thông tin dịch bệnh bà con cũng chần chừ không dám tái đàn vì không biết mức giá hiện tại sẽ duy trì được bao lâu. Hiện nay tổng đàn của các doanh nghiệp còn rất dồi dào. Bây giờ lại thêm thông tin dịch bệnh ở bên kia biên giới đe dọa, người dân càng thêm hoang mang. Đáng lo hơn khi dịch bệnh này chưa có vắc xin phòng dịch”.
Nhiều người cho biết, dù các ban ngành VN đã lên kịch bản đối phó nhưng do có đường biên giới dài với Trung Quốc, hoạt động thương mại diễn ra khá sôi động nên khả năng lây lan dịch bệnh sang VN rất cao.
Kiểm soát chặt các tuyến biên giới
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10.9, có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh ASF, 500.000 con heo phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc, đã phát hiện 14 ổ dịch cùng 38.000 con heo bị tiêu hủy. Đáng lo hơn, dịch bệnh ở Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía nam, gần biên giới VN.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh không lây qua người nhưng nguy cơ lan rộng rất cao. OIE cảnh báo thịt heo, kể cả các sản phẩm nấu chín, cũng có khả năng lây lan dịch bệnh. Điều này đã được chứng minh trên thực tế ở một số nước. Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc mang theo 150 kg xúc xích bị phát hiện có vi rút ASF. Cục Thú y đã đề xuất Bộ GTVT và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đến VN bằng máy bay từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt heo nếu họ mang theo.
Các doanh nghiệp và nông dân kiến nghị VN nên ra lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ các nước có dịch. Tuy nhiên, VN chưa cấp phép nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào VN. Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Bộ NN-PTNT cho biết dịch tả heo châu Phi (ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên cả heo nhà và hoang dã với tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi rút gây dịch ASF có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, heo vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời. Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Biện pháp chủ yếu là chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

Theo Thanh Niên