Trang chủ S-CLUB Kinh nghiệm Những cảnh báo tháng 5

Những cảnh báo tháng 5

0
684

Samsung và LG có thể giảm quy mô đầu tư ở Việt Nam. Đây là rủi ro mới phát sinh cần được chú ý của kinh tế 5 tháng đầu năm.

Ở báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có những ưu tư khi nhìn về chỉ tiêu tăng trưởng của một số ngành trong 5 tháng đầu năm 2018.

Rủi ro phát sinh

Chẳng hạn chỉ số công nghiệp tháng 5/2018 có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. Đó là do đà chậm lại của ngành điện tử. Xuất khẩu điện thoại cũng giảm 17,6% trong khi cùng kỳ tăng hơn 62%. Xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy vi tính tuy tăng 14,2% trong 5 tháng nhưng mức này vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số tăng 48,8% của cùng kỳ.

Báo cáo cho rằng, chính sách thuế mới của Donald Trump rất có thể đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp điện tử, trong đó chủ lực là Samsung và LG. Các hãng này có thể xem xét chuyển nhà máy sang Mỹ, giảm quy mô sản xuất tại Việt Nam. Theo SSI, đây là rủi ro mới phát sinh, cần được theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ khiến GDP của Việt nam khó giữ được đà tăng như 4 quý vừa qua.

Đáng chú ý, chỉ số lao động ngành công nghiệp Điện tử, động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm, đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm, chỉ tăng 5,4% (cùng kỳ là 16,8%). SSI cảnh báo về rủi ro sụt giảm sức cầu tiêu dùng xuất phát từ chỉ số lao động này.

Ngành khai khoáng cũng không có cải thiện dù giá dầu tăng lên mức cao nhất 2,5 năm. Bởi cả 3 nguồn khai khoáng là dầu, khí và than đá cùng có xu hướng giảm. Khai khoáng được SSI dự báo sẽ là ngành kéo giảm tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II/2018.

Ở ngành bán lẻ, nếu loại trừ lạm phát, tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng chỉ tăng 8,3%, mức thấp nhất trong vòng một năm qua. Ngành bán lẻ giảm tốc có lý do từ hoạt động du lịch. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 tăng chưa tới 9%, thấp nhất 15 tháng và mảng du lịch lữ hành cũng chỉ tăng 23%, thấp nhất từ đầu năm nay.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm. Tăng trưởng khách từ các thị trường lớn đều thấp, điển hình như Nga, giảm 12,7% trong tháng 5 năm nay, trong khi cùng kỳ tăng 22,9%. Trung Quốc và Hàn Quốc- 2 thị trường lớn nhất của du lịch Việt  Nam cũng có sự suy giảm. Theo SSI, đó có thể do làn sóng FDI từ Hàn Quốc hạ nhiệt. Điều này đặt ra bài toán phải phát triển nhanh các đường bay mới gắn liền với các địa điểm và sản phẩm du lịch phù hợp để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở các thị trường nhiều tiềm năng này.

Vẫn có ngành lạc quan

Nhưng bù lại, những ngành như dệt may, kim loại, xe động cơ, dược liệu lại tăng trưởng khả quan hơn cùng kỳ. Trong đó, sản lượng sắt thép thô tăng ấn tượng nhất, 39,7%. Còn tổng xuất khẩu sắt thép 5 tháng đạt 1,7 tỉ USD, tăng gần 59%. SSI lý giải, với việc Trung Quốc giảm sản lượng thép vì lý do môi trường và Mỹ áp thuế cao với thép có nguồn gốc Trung Quốc, ngành thép Việt nam có cơ hội để giành thêm thị phần, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng tới.

Chỉ số sản xuất xe có động cơ cải thiện rõ rệt khi tăng gần 14% trong tháng 5, cao nhất từ 15 tháng qua. Có thể do năm ngoái, thị trường ô tô quá trầm lắng,chờ đợi giảm thuế vào 1/1/2018 nên sang 5 tháng đầu 2018, tình hình đã khởi sắc trở lại.

Ở ngành dược, tỉ trọng nhập khẩu giảm và chỉ số công nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu đều vượt trội hơn cùng kỳ, tăng 9,5% trong 5 tháng qua. SSI cho rằng, đây có thể do ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực, thông qua các dự án FDI mới và M&A các doanh nghiệp dược nội địa.

Đối với ngành lúa gạo, niềm vui cho Việt Nam là năng xuất và xuất khẩu tăng. Cụ thể, năng suất lúa vụ Đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước tính đạt 68,9 tạ/ha, tăng 6,3 tạ/ha so với cùng kỳ. Năng suất tăng đã giúp sản lượng lúa của cả ĐBSCL tăng gần 10%, đạt 10,8 triệu tấn, dù diện tích lúa vụ này giảm nhẹ do xâm nhập mặn vùng cuối nguồn.

Về xuất khẩu, gạo Việt Nam trong 5 tháng 2018 đã tăng 20% về lượng, đạt 2,8 triệu tấn và tăng 51% về giá trị, đạt 1,56 tỉ USD. Theo lý giải từ SSI, sự gia tăng này một phần do nhu cầu nhập khẩu tăng, phần khác do chất lượng gạo đã cải thiện sau thời gian chuyển đổi giống lúa. Trung Quốc vẫn là thị trường mua gạo lớn nhất của Việt Nam nhưng giá trị giảm nhẹ. Bù lại, Indonesia- thị trường lâu nay không nhập khẩu gạo Việt Nam thì đã mở cửa mua gạo trở lại.Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng gia tăng xuất khẩu sang Iraq, Malaysia, Gana, Philippines. Còn Hàn Quốc đã bắt đầu mua gạo chất lượng cao từ Việt Nam.

Ngành thủy sản, cụ thể là nuôi trồng, chế biến tôm và cá cũng tăng trưởng ổn định. Trong 5 tháng 2018, tổng xuất khẩu thủy sản đạt 3,1 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu ngành.

Tính chung, nông nghiệp và một số ngành thuộc công nghiệp chế biến sẽ là điểm sáng cho quý II/2018, tạo động lực tăng trưởng tương lai. Nhưng SSI lưu ý một số ngành phát triển là do kết quả của chính sách bảo hộ hoặc may mắn hưởng lợi từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn. Các doanh nghiệp Việt nam vì vậy cần phải tận dụng nhanh thời cơ để chiếm thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi.

Rõ ràng sau quý I/2018 thuận lợi, lực cản cho tăng trưởng kinh tế Việt nam đã xuất hiện nhiều hơn khiến tháng đầu tiên của quý II/2018 ở nhiều ngành có sự giảm tốc. Trong bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh và cơ cấu kinh tế – đầu tư trong nước chưa dịch chuyển theo kịp, theo SSI, Việt Nam có thể lỡ nhịp tăng trưởng trong một vài quý. Điều này càng cho thấy tính cấp bách phải thúc đẩy lớp doanh nghiệp nội địa lớn mạnh, đủ khả năng sức cạnh tranh để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững hơn cho kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

0 BÌNH LUẬN