Trang chủ GIẢI TRÍ Mưa của những mối tình day dứt

Mưa của những mối tình day dứt

0
684

Ám ảnh và nhức nhối là cảm xúc mỗi khi nghe Trịnh. Nhất là những những bản tình ca dang dở đã gắn liền với một thời, một người, một cuộc tình đã qua…

Nhiều người bảo, nhạc của Trịnh ở một tầng khác so với những nhạc sĩ đương thời, thậm chí là trước đó và cả sau này. Người nghe Trịnh thường được mặc nhiên là những kẻ ngu tình, lãng đãng, và có chút gì đó xa lạ với cuộc đời hiện hữu. Có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng có một điều chắc chắn, ai đã từng yêu, từng ngồi một mình bên góc cà phê vắng và vô tình vướng vất những giai điệu của Diễm xưa thì ắt hẳn sẽ không thể nào quên được cuộc tình mà họ đang hoặc đã có. Bởi lẽ, đó dường như là tất cả nỗi lòng, xúc cảm mà Trịnh – trước hết vẫn là một con người biết yêu và yêu đến say đắm, cháy bỏng – viết hộ cho chính mình.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ

Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao

Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ

Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu.

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ

Buổi chiều ngồi nógn những chuyến mưa qua

Trên bước chân em âm thầm lá đổ

Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Tôi tin rằng, khi yêu, dù là người khô khan nhất cũng có lúc muốn làm thơ! Hoặc ít nhất là cũng sẽ bắt đầu thích lẩm nhẩm vài ba câu thơ nào đó về tình yêu, về “em” và “anh”. Vì vậy, những kẻ yêu nhau, nếu không thích những giai điệu của Trịnh thì sẽ thích lời bài hát của ông. Bởi, đó không chỉ là những “âm” để kết hợp với “nhạc” mà còn là những dòng thơ chở trên mình vô vàn cảm xúc. Nhưng đó là một phạm trù khác mà ta sẽ phân tích sau. Ở đây, hãy cứ để mình chìm đắm vào trong những giai điệu của Diễm xưa và đưa lòng về với những yêu đương đã cũ.

Với tôi, khi nghe Trịnh, viết về Trịnh hãy viết về cảm xúc, về sự đồng cảm và về chính những nỗi lòng của mình đang rung lên khi nghe giai điệu ấy. Nghe Diễm xưa lần đầu tiên là ở một quán cóc bên đường. Một kẻ thất tình lang thang trong chiều Sài Gòn lá rụng, nhâm nhi ly cà phê đắng ngắt và bỗng dung khựng lại khi giọng Khánh Ly cất lên những giai điệu dễ gây nghiện ấy. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”.

Sài Gòn không có mùa đông, không có cái lạnh cắt da như Hà Nội hay những ngày rả rích như vùng cao. Nhưng những chiều mưa bay và lá dổ thì luôn có. Và chỉ cần thế thôi, cái không gian chẳng đặc trưng và nửa vời ấy cộng với giọng liêu trai của Khánh Ly cũng đủ làm người ta phải thổn thức, mơ hồ và lạc chân về với những ngày đã cũ. Những cơn mưa ấy, không hẳn là mưa ở hiện tại, ngay trong buổi chiều này, cũng không nhất thiết phải là trên những con đường này mà đâu đó, đã từng, rất từng và đang hun hút như thế. Mưa. Vốn dĩ bản thân nó đã gợi nên quá nhiều xúc cảm cho những kẻ đã yêu, đang yêu hay vừa lơ ngơ bước vào khung trời yêu. Thế nên, có lẽ, Trịnh đã khiến người nghe ngã gục ngay từ những giai điệu đầu tiên của bài hát. Thế nên, khi Diễm xưa vô tình vang lên trong một chiều mưa xa xứ, nó đã trở thành một tiếng lòng không thể nào quên, và, cũng tự nhiên như thế, nó khơi gợi ký ức, nó lật dở từng trang kỷ niệm. Kỷ niệm nào mà chẳng đáng nhớ, dù có lúc phải quên…

Chiều nay còn mưa sao em không lại

Nhớ mãi trong cơn đau vùi

Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau

Bước chân em xin về mau…

Tình yêu, đôi khi, nhiều lúc thế. Vẫn cứ đăm đắm một câu hỏi, chờ đợi một câu trả lời dù có thể biết, có thể chưa biết hoặc có tình không biết đáp án. Có lẽ cũng chính vì thế mà những chiều mưa lãng mạn khi chung bước bỗng trở thành nỗi day dứt khi một người còn lại phải ngóng chờ một người trong chiều mưa. “Chiều nay” không chỉ mang ý nghĩa là một buổi chiều cụ thể nào nữa mà hình như mọi buổi chiều xa cách và mong chờ ấy đều dồn hết lại, đong đầy bằng niềm nhớ, nỗi đau và những cả nước mắt…

Diễm xưa là một trong số những bài mà điệp khúc khá ngắn, không có đoạn lặp lại nhưng in hằn vào tâm trí người nghe những cảm xúc không thể nào quên. Cái nhẹ nhàng, lãng đãng của Trịnh dường như đều trút hết vào đây để nỗi buồn cũng cứ thế mà từ từ len lỏi vào lòng người. Yêu đương, kỷ niệm, hiện tại, quá khứ,… Tất cả dường như đều có trong cơn mưa ướt nhòa dấu chân chim, cô độc trên những tầng tháp cổ, hiu hắt trên đường dài hun hút, bơ vơ trên những cành lá nhỏ.

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động

Làm sao em nhớ những vết chim di

Xin hãy cho mưa qua vùng đất rộng

Để người phiêu lãng quên mình lãng du…

Tình yêu liệu có qua đi không? Nỗi đau có vơi bớt đi không sau những cơn mưa chiều ấy? Và rồi ta có quên được nhau không? Hay mỗi khi nhìn vào màn mưa ấy, dù là ở nơi ta đã từng hò hẹn, hay là bất cứ đâu trên những nẻo đường đời, dù là vô tình lướt qua hay cố ý để tim trôi về những ngày cũ thì ngày xưa ấy, cơn đau ấy lại quay về? 

Làm sao em biết bia đá không đau?

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau!

Cơn đau tình có lẽ là nỗi đau dễ dàng khiến người ta mềm yếu nhất. Ừ, thì bởi đến bia đá cũng đau và sỏi đá cũng cần có nhau kia mà! Thế nên, cứ yêu đi, cứ đau đi, cứ trách móc đi, cứ day dứt đi vì đó là tình yêu, là điều hiển nhiên phải chấp nhận như thế. Còn đau, còn ngóng, còn chờ đợi tức là vẫn còn yêu nhiều lắm…

Trưa nay, Sài Gòn đứng nắng. Cà phê vắng. Góc bàn cũ. Giọng Khánh Ly lại ngân lên. Diễm của ngày xưa lại mơ hồ đâu đấy trong làn khói thuốc. Mơ về một cơn mưa…

0 BÌNH LUẬN