Trang chủ CẢM NHÂN Giây phút rùng mình của cô gái Việt khi vào kim tự...

Giây phút rùng mình của cô gái Việt khi vào kim tự tháp Ai Cập

0
883

Trong hành trình lang bạt Trung Đông – Bắc Phi bắt đầu vào tháng 4/2018 cùng hai người bạn, tôi chọn 12 ngày để khám phá Ai Cập.

Tôi đáp sân bay Cairo vào một buổi chiều hoàng hôn nắng vàng như rót mật. Do tình hình bất ổn ở Ai Cập, đặc biệt là Sinai, tôi cùng hai người bạn quyết định đặt một chiếc xe riêng, gồm tài xế Hamdy và hướng dẫn viên địa phương Aly, để đi theo suốt chuyến.

Điểm đến đầu tiên là quần thể kim tự tháp Giza. Thuở nhỏ, tôi không biết gì về Ai Cập ngoài kim tự tháp, một biểu tượng huyền thoại. Đến khi đứng trước nó, tôi cũng không dám tin đây là sự thật.

Saru (áo đen) đi cùng 2 người bạn, chụp ảnh với lái xe và hướng dẫn viên địa phương. Ảnh: NVCC

Lần đầu vào kim tự tháp

Trải qua hàng nghìn năm, lớp đá vôi trắng được tô trát bên ngoài nhằm tạo ánh sáng rực rỡ dưới nắng mặt trời đã bị bào mòn. Khác với những lăng mộ khác, bên trong Giza không hề có những ký tự cổ hay chữ tượng hình nào, chỉ có hành lang. Nếu muốn tới căn hầm chôn cất Pharaoh, bạn sẽ phải đi thật sâu xuống dưới.

Ba kim tự tháp Khufu, Khafre và Menkaure nằm thẳng hàng với ba ngôi sao tạo nên chòm sao Orion. Các kim tự tháp cổ đều được xây dựng ở tả ngạn sông Nile. Theo truyền thuyết của người Ai Cập cổ thì đây chính là nơi mặt trời lặn, là miền đất của người chết.

Kim tự tháp Saqqara hình bậc thang được xem là lâu đời nhất tại Ai Cập. Tại đây, tôi đã có một kỷ niệm khó quên. Aly bảo tôi cứ đi xuống cầu thang dẫn vào sâu bên dưới, một người đàn ông mặc bộ đồ màu trắng đứng chờ, không quên dặn tôi phải cẩn thận kẻo bị đụng đầu.

Người đàn ông dắt tôi đi từng căn phòng, rồi dừng lại ở một cỗ quan tài bằng đá đen đang mở nắp và bảo leo vào bên trong. Tôi chết đứng, nhưng ông cứ giục nên cuối cùng cũng phải leo vào. Ông bảo tôi giữ im lặng và nhắm mắt nằm trong đó vài phút.

Hiện xác ướp các pharaoh cùng hoàng hậu và toàn bộ vật dụng đi kèm, kể cả quan tài gỗ đều được chuyển đến bảo tàng Cairo. Riêng trong kim tự tháp Saqqara này còn để một cỗ quan tài đá đen trống cho du khách vào nằm trải nghiệm.

Làm theo lời người đàn ông nhưng tôi nhắm tịt mắt, một cảm giác lạnh toát dọc sống lưng lên tới đỉnh đầu khiến tôi bàng hoàng vội trèo ra ngay khi chưa đầy một phút. Lật đật chạy thoát ra khỏi căn hầm mộ, đến khi gặp Aly đang đứng bên ngoài chờ, tôi mới hết bàng hoàng.

Cô trải nghiệm cưỡi lạc đà. Ảnh: NVCC

Để thư giãn một chút, tôi chọn dịch vụ cưỡi lạc đà 30 phút qua những kim tự tháp nhỏ hơn đằng sau 3 kim tự tháp chính lớn nhất ở Giza. Mặc dù chính phủ Ai Cập đã thông qua điều luật, cho phép phạt tới 10.000 EGP (gần 13 triệu đồng) bất cứ ai bị phát hiện làm phiền du khách, nhưng những người chăn giữ lạc đà ở đây họ vẫn có cách kỳ kèo kín đáo.

Trong suốt 30 phút cưỡi, họ luôn miệng hỏi tôi: “Cô có vui không?” đến hàng chục lần. Với cùng một câu hỏi nhưng số lượng quá nhiều như vậy, tôi cảm thấy phiền hơn là vui. Chưa kể tôi lại đang khó khăn khi chưa kịp làm quen với điệu bộ lắc lư, chao đảo trên lưng chú lạc đà tên Micheal Jackson cao mấy mét này.

Ra về, tôi tip cho người giữ lạc đà 50 EGP (60.000 đồng). Họ nhận tiền nhưng vẫn luôn miệng đòi phải đưa thêm. Tôi lại cảm thấy không vui chút nào dù mến Michael Jackson. Kiểu vòi vĩnh như vậy khiến tôi cảm thấy bị quấy rầy, nhăn mặt và bỏ đi nơi khác.

Bảo tàng Ai Cập

Một kho báu khác nữa giữa lòng nhân loại chính là bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo. Bảo tàng 100 năm tuổi này hiện lưu giữ một số lượng lớn khủng hiện vật từ Ai Cập cổ đại. Những gì tôi từng nhìn thấy trong các bộ phim điện ảnh, hoặc các phim tài liệu về quan tài vàng, xác ướp, bọ hung, di vật… đều ở trong này.

Muốn tham quan những căn phòng chứa xác ướp của các vị pharaon khách phải mua thêm vé vào riêng và hoàn toàn không được chụp ảnh. Trong đó, xác ướp Vua Tutankhamun (hay còn được gọi là Vua Tut) là vị Pharaoh trẻ nhất và nổi tiếng nhất. Xác ướp Vua Seti I là một trong những vị vua quyền lực và có vẻ ngoài tuấn tú bậc nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại.

Xác ướp đặt trong quan tài trưng bày ở bảo tàng Ai Câp. Ảnh: NVCC

Đặc biệt nhất là xác ướp la hét Pentauru — một người con của pharaoh XX triều đại Ramses III. Hoàng tử này vừa 20 tuổi đã bị tuyên án nguyền rủa vĩnh viễn vì tội phản bội, tước mất tên thật và chịu án tử hình. Đây là xác ướp lần đầu được trưng bày, chuyển từ kho lưu trữ tới gian phòng triển lãm xác ướp đầu năm 2018. Ngoài ra, còn có những xác ướp hoàng gia khác, và một căn phòng chứa xác ướp động vật như dê, cừu, chó, cá sấu, chim… cả xác ướp trái cây.

Các vị pharaoh là những người được ướp xác hoàn hảo và tỉ mỉ nhất. Một xác ướp có thể được đặt trong rất nhiều quan tài từ nhỏ tới lớn. Tôi không biết những người khác xung quanh trong bảo tàng có cảm giác thế nào. Nhưng khi nhìn những di vật cổ đại được lấy từ các lăng mộ, các xác ướp khô héo nhưng còn nguyên vẹn cả răng, móng tay và tóc, tôi có một cảm giác hoang mang kỳ lạ,. Cảm giác đó cứ xâm lấn đầu óc khiến tôi ngẩn ngơ suốt cả một ngày dài, cho đến khi Hamdy giục tôi đi ngủ, sáng hôm sau sẽ đón sớm để vượt 700 km băng qua sa mạc mênh mông.

SaRu

Theo Vnexpress

0 BÌNH LUẬN