Nhiều ý kiến cho rằng, với một kỳ thi mục tiêu chính là để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì liệu có cần ra đề có những câu hỏi quá khó, tạo nên nhiều lo lắng?
Vì thế, một kỳ thi hai mục đích lại tiếp tục khiến dư luận lo ngại về tính khả thi thực sự của nó.
Trường ĐH chọn được thí sinh phù hợp
PGS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cho rằng kỳ thi với 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH hiện nay đang được vận hành ngày càng tốt hơn, ngay cả về đề thi. Đúng là yêu cầu tuyển sinh của mỗi trường ĐH là khác nhau, nhưng quan trọng là phải có một thước đo khả dĩ để đo năng lực của những thí sinh (TS) muốn đăng ký xét tuyển vào trường, cho nên việc có một kỳ thi cấp quốc gia là rất thuận lợi cho các trường ĐH. Nó giúp các trường ĐH giảm được gánh nặng phải có một kỳ thi riêng, trong khi đó không phải trường nào cũng có yêu cầu quá cao hoặc quá khác biệt về đầu vào.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc), nhìn nhận với đề thi năm nay, các trường ĐH dễ dàng hơn trong việc lựa chọn TS phù hợp với mức độ yêu cầu của trường mình.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng đề khó chưa chắc đã phân hóa tốt. Theo ông Tuấn, hiện tại vẫn nên duy trì một kỳ thi THPT quốc gia như đang làm, dù tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao, mà các trường ĐH có yêu cầu cao chưa chắc đã tuyển chính xác hoàn toàn đối tượng mình mong muốn.
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nêu ý kiến: “Bộ GD-ĐT đã đặt ra mục tiêu đề thi sẽ dành tỷ trọng 60% câu hỏi dễ cho việc xét tốt nghiệp, 40% cho việc xét tuyển ĐH. Năm ngoái cũng đặt ra mục tiêu này, nhưng thực tế chưa đạt được như mong muốn nên đề thi năm nay có khó hơn thì cũng phù hợp với mục tiêu đặt ra ban đầu. Đề năm nay bị “kêu” là khó, nhưng so với các đề thi tuyển sinh ĐH trước đây thì có thấm vào đâu! Nói khó là bởi chỉ nghĩ tới mục đích xét tốt nghiệp. Nhưng nên nhớ đây là kỳ thi hai mục tiêu”.
Rất khó đáp ứng cả hai mục tiêu
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của việc ra đề thi, nhưng ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Sáng Sơn (Vĩnh Phúc), cũng thừa nhận việc ra được một đề thi thỏa mãn 2 mục tiêu là rất khó. Theo ông Dương Văn Bản, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nếu có thể được, việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh có thể ủy quyền cho các sở GD-ĐT. Còn việc tổ chức thi để tuyển sinh ĐH thì do Bộ GD-ĐT định hình.
Việc ra một đề thi làm sao để cho học sinh học lực trung bình đạt điểm trung bình, vừa đảm bảo tính phân loại cao nhằm thỏa mãn nhu cầu xét tuyển ĐH từ trường tốp cao đến trung bình là cực khó. Cho nên theo ông Bản, kỳ thi để xét tốt nghiệp có thể ủy quyền cho các sở GD-ĐT, hoặc là thi, hoặc là xét. Còn việc tuyển sinh vào ĐH như thế nào thì Bộ GD-ĐT với các trường tính toán.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cũng cho rằng dù có khả năng phân hóa tốt hơn bởi nhiều câu hỏi nhưng với một dung lượng, thời lượng dành cho một kỳ thi, một bài thi thì rất khó để có thể đáp ứng được những yêu cầu mang tính chất vừa đại trà, đánh giá năng lực ở mức thấp, vừa tuyển lựa một số lượng tương đối nhỏ học sinh để vào ĐH, nhất là ĐH chất lượng cao.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quyên, chuyên gia độc lập về lĩnh vực khảo thí, phân tích: %