Trang chủ CHIA SẺ Những bình hoa sen tuyệt sắc của ông bố HN

Những bình hoa sen tuyệt sắc của ông bố HN

0
1680

“Cắm hoa sen, thực chất là diễn đạt sự sinh trưởng những thời kỳ khác nhau qua bộ lá sen. Mà những đóa hoa, chỉ là kết quả dễ nhận thấy nhất vì những lý do: bắt mắt, hương nồng, sắc thắm…” – Họa sĩ Đỗ Vy Anh chia sẻ.

Có một điều hết sức tự nhiên mà nghe cũng hơi… lạ, là cuộc đời của những bông hoa sen gắn với con số 3 ngắn ngủi: Sen cắm được nhiều lắm ba ngày là hoa tàn, cánh buông. Gói trà sen chỉ được ba nước là hết hương, mùa sen chỉ kéo dài khoảng ba tuần trăng là hết,…

Có chăng sen như nàng Kiều xưa “hồng nhan bạc mệnh”?

Thì đúng là “hồng nhan” thật sự: Sen đẹp thanh tao nhưng quý phái, cánh sen dày mà mềm mịn vô cùng, ôm ấp lấy chiếc đài sen vàng rực bên trong với bao hạt sen ngọt, hương sen thơm nhẹ nhàng nhưng say đắm,…

Thế nhưng chẳng phải là “bạc mệnh”. Vẫn là sen, quốc hoa của dân tộc. Bao người vẫn say đắm, bao tâm hồn cứ mê mệt. Sen nở ngắn thôi, đủ để người ta cảm nhận, say mê, cũng đủ để người ta thấy nhớ mong, vấn vương, cứ muốn gặp lại mãi.

Mùa sen đã rộ trên hồ Tây lộng gió. Sen hồ Tây chính là một nét đẹp văn hóa và niềm tự hào của người Hà Nội. Có biết bao khu vực ao, hồ, đầm trồng sen quanh thủ đô, nhưng sen hồ Tây vẫn luôn được yêu thích nhất.

Họa sĩ, nghệ nhân cắm hoa Đỗ Vy Anh là một ông bố Hà Thành yêu hoa, đam mê hoa, cũng là người đã gắn bó với những bông sen hồ Tây biết bao năm qua. Anh tâm sự, sen Tây hồ Hà Nội khác hẳn sen quê và các vùng phụ cận khác. Bởi nhiều lẽ.

Sen hương Tây hồ luôn đẹp, tươi hơn bất kỳ sen nơi nào khác bởi hoa được hái từ sáng sớm tinh mơ, khi những giọt sương đêm còn đọng trên lá, nên hoa ngậm hương thơm nồng. Sen các vùng khác, do hái từ chiều hôm trước – đến tay người dùng đã bước sang ngày thứ hai nên độ tươi, sắc hồng không thể bằng được. Thêm một điều thú vị nữa, là những dân chơi sen sành điệu, một khi đã thưởng thức hương sen Tây hồ – sẽ không muốn dùng những bông hoa có phẩm cấp thấp hơn”.

Nói về cách chọn sen, dưỡng sen, họa sĩ Vy Anh không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của bản thân khi đã cùng đi qua bao mùa sen Tây hồ.

Anh cho biết, sen hương là sen dùng để ướp trà, ngoài lớp cánh to bên ngoài là lớp cánh nhỏ bằng ngón tay út bao lớp nhuỵ vàng và đài sen. Lớp cánh này bên trong sẽ quyết định hình dáng búp sen bên ngoài. Búp sen hương căng đầy, bóp nhẹ thấy bộp tay, là hoa đúng đến lứa, tức là miệng hoa phải hơi hé mở, thì sáng hôm sau hoa sẽ nở căng đẹp. Màu sen hồng tươi và phớt xanh.

Chỉ một bình sen anh Vy Anh “múa tay” mà như mang trọn vẹn vẻ đẹp, hương sắc, thần thái của cả vùng sen Tây hồ. Dòng chuyển động của bộ lá xanh như gợi nhắc đến năng lượng mạnh mẽ của sen – đội bùn đen vươn lên thành loài hoa tuyệt sắc – quốc hoa Việt Nam.

Còn búp sen quỳ hồng đậm và tái, không có màu xanh lục từ cành chuyển lên. Bóp nhẹ thấy óp và hay bẹp, chính là do chỉ có lớp cánh to bên ngoài. Cấu trúc cành cũng hơi khác nhau, nếu như cành sen hương nhỏ, sần và nhiều gai thì ngược lại, cành sen quỳ to, thô và béo mọng, trơn nhẵn ít gai hơn.

“Khi mua sen về sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là vừa mở lá bọc ngoài xong, cánh đã rụng tơi tả, hoặc cùng lắm là chơi được một buổi từ sáng đến chiều, do hoa đó là hoa đã ế 1 ngày rồi. Dân hoa gọi đây là hoa “Chị hai”. Thứ hai là cắm mãi không nở, đen héo tóp lại, hoặc nở lác đác, đây gọi là “sen câm”.

Bình sen cắm mùa Đức Phật Đản Sinh được anh Vy Anh cắm vào ngày Phật Đản 2018.

Cách dưỡng sen cũng khá cầu kì với nhiều cách khác nhau, cách thứ nhất, có thể ngâm vào chậu to, chậu tắm em bé sao cho phần cuống tiếp xúc với nước nhiều nhất. Lưu ý là phần hoa phải nhô cao, không được dính nước. Cách thứ hai là dùng xi lanh bơm nước vào cuống hoa, nhằm cung cấp thêm nước để sen đảm bảo nở 100%.

Cũng có thể cắm dưỡng trong bình cao cổ, nhằm để thân, cuống hoa sen tiếp xúc nhiều nhất với nước. Đầu bông hoa tất nhiên vẫn phải cao và không nằm trong nước. Cuống sen rỗng nên nếu cắt bằng kéo sẽ làm dập phần cắt. Nên cắt vát nhọn bằng dao sắc và cắt cành hoa trong môi trường nước, không nên cắt khô.

Anh Vy Anh tâm sự, muốn thổi được cái hồn cùng vẻ đẹp tự nhiên nhất có thể như khi ở ngoài thiên nhiên vào bình hoa sen, ngoài hoa, cần chú trọng đặc biệt vào cả bộ lá. Giống như ngoài môi trường sinh trưởng, bộ lá sen chiếm đa phần, còn hoa chỉ là điểm xuyết – điều mà ít người chú trọng.

“Cắm hoa sen, thực chất là diễn đạt sự sinh trưởng những thời kỳ khác nhau qua bộ lá sen. Mà những đóa hoa, chỉ là kết quả dễ nhận thấy nhất vì những lý do: bắt mắt, hương nồng, sắc thắm…”

“Có thể bình hoa này chưa diễn đạt hết những vẻ đẹp thanh khiết và khí chất trong sạch của những đóa hoa mùa hạ. Nhưng bằng tất cả tâm trí, cảm xúc, sự nâng niu, trân trọng, mình đã vô cùng hạnh phúc khi cắm bình hoa này” – Người nghệ nhân cắm hoa trải lòng.

Muốn chọn được những chiếc lá đẹp để tạo nên một tiểu cảnh trong không gian nội thất, thì người hái không những phải tỉ mỉ, cẩn thận, mà còn cần nâng niu từng chiếc lá như chính những bông sen, thậm chí, còn hơn cả sen.

– Chọn lá sen vào thời điểm chiều mát, khi trời đã tắt nắng nhưng còn sáng, vì lúc đó nhiệt độ đã giảm và phù hợp để dưỡng lá.

– Chọn những chiếc lá hơi già, cỗi mọc gần sát bờ. Không chọn lá non quá, sẽ rất nhanh héo rũ. Đặc biệt, càng không nên hái vào thời điểm sáng muộn và trưa, khi nhiệt độ lên cao nhất, lá hái rời khỏi đầm là héo rũ ngay. Hái lá xong, ngâm ngay mặt lá vào chậu nước, điều này tối cần thiết vì khi lá bị tách khỏi môi trường sống, gặp nắng và gió sẽ bị héo xoăn và khô lại.

Họa sĩ Đỗ Vy Anh luôn dành một tình yêu đặc biệt cho quốc hoa – một niềm đam mê, đặc biệt yêu thích cả về hương và sắc. Mỗi chiếc lá, mỗi bông sen anh cắm đều chất chứa bao tình cảm, niềm yêu mến, cả những giọt mồ hôi và nước mắt.

– Lập tức chuyển lá vào nơi có nhiệt độ râm mát, tiếp tục các công đoạn dưỡng tiếp theo: Cắt vát cuống trong môi trường nước bằng dao sắc, bởi cấu trúc cọng sen là những ống rỗng, cắt kéo sẽ dập nát, dùng bơm xi – lanh cung cấp tối đa nước cho đầy cọng hoa, sau đó cắm dưỡng lá bằng lọ cao gần bằng chiều dài cành hoặc ngâm trong bồn tắm, sao cho diện tiếp xúc nằm trong nước nhiều nhất.

– Ngâm dưỡng hết đêm hôm đó. Sáng ngày hôm sau mang ra dùng, nếu có điều kiện, bôi kem dưỡng lên mặt lá để bảo đảm độ ẩm, lá không bị khô trong thời tiết mùa hè.

Chọn cẩn thận, dưỡng cầu kì, thì đến khi cắm sen còn cầu kì hơn thế.

Họa sĩ Hà Thành cho hay, cắm sen lúc chiều tối khi trời mát, đêm nếu có thể mang ra hứng sương thì sáng mai khoảng 3-4 giờ sen bắt đầu nở. Đến 5 giờ sáng là thời điểm huy hoàng nhất của sen cả về sắc lẫn hương. Nếu để bình sen trong nhà, sen sẽ không bung lụa hết đỉnh điểm mãn nhãn mà vẫn còn hơi khum cánh.

“Cho đến thời điểm 8-9 giờ sen bắt đầu xuống sắc, độ đẹp và hương bị kém một đôi phần. Khoảng 10-11 giờ, các nàng Kiều và Vân e lệ khép dần cánh hoa. Cho tới chính Ngọ thì khép hẳn từ hoa thành nụ. 

Đời hoa sen có 3 chuỗi: sáng nở – chiều cụp. Nếu hoa tươi, điều đó là lẽ đương nhiên thôi, nhưng phải trừ đi một ngày vì nhiều người thường mua hoa trên chợ hoặc hàng rong, chiều về nhà cắm. Hôm sau sen nở, thì phải tính là hoa nở lần 2 rồi”.

Một điều tối kỵ khi bày sen là quạt máy và điều hoà bởi chúng sẽ làm cho bộ cánh hoa khô nhanh và héo rũ. Cũng nên lưu ý không bầy biện các loại quả bên cạnh bình hoa vì khi quả chín sẽ tỏa ra khí Ethylene (Etilen) làm hoa tươi nhanh hỏng!

“Mình muốn chơi hoa, diễn đạt tối đa được vẻ đẹp thiên nhiên và nâng vẻ đẹp đó lên một tầm cao mới, nhiều khi mất ngủ, đầu tư chất xám và nhiều công sức, thời gian lọ mọ. Mùa sen, mình gầy rộc đi vì cắm một bình sen ưng ý cần một nắng hai sương thật sự đấy”.

Anh Vy Anh chia sẻ, anh ra đầm hái sen từ lúc 4-5 giờ sáng (sương 1). Về nhà dưỡng hoa, lá (dưỡng lá mệt gấp trăm lần dưỡng hoa) tránh nắng, tránh gió, bơm truyền nước bằng xi-lanh, bôi dưỡng lên mặt lá. Chiều tối sắp hoa vào bình, định hình, định dạng,…

Đến sáng hôm sau, 3-4 giờ dậy chụp hoa nở, 5 giờ sáng hoa căng cánh và tỏa hương hoàn hảo (sương 2). Chụp, cắm, thay đổi đến ít nhất 10 giờ sáng thì nghỉ, xong chụp tiếp, và còn tuỳ theo thời tiết nữa.

Nghe người nghệ nhân cắm hoa chia sẻ những điều hay như vậy, mới nói, chơi sen là thú chơi hết sức cầu kì, thanh tao mà không phải ai cũng có thể “cảm” được!

Cùng chiêm ngưỡng thêm một số bình hoa sen do chính tay họa sĩ Đỗ Vy Anh cắm:

Eva – Theo Du Jin (Khám phá)

0 BÌNH LUẬN