Trang chủ Đọc báo giùm bạn Chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu?

Chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu?

0
639

Khi chiến tranh thương mại còn chưa lắng xuống, Trung Quốc và Mỹ dường như đang lôi nhau vào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Từ sự bực bội của ông Trump

Theo Seeking Alpha, trong một buổi phỏng vấn mang tính bước ngoặt với phóng viên Joe Kernen của đài CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê phán các chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Từ buổi phỏng vấn, có thể rút ra được 3 nguyên nhân khiến ôNg Trump lo ngại với viễn cảnh tăng lãi suất do ông Jerome Powell – Chủ tịch FED đưa ra:

1. Lãi suất tăng cản trở sự hồi phục của thị trường chứng khoán

2. Có khả năng làm chậm sự phát triển kinh tế của Mỹ

3. Làm gia tăng khoảng cách giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và của các đối tác thương mại, do đó đẩy giá USD lên cao và làm giảm ảnh hưởng của thuế quan vừa được áp đặt.

Cũng trong ngày thứ Năm 19/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ mức ấn định tỷ giá đồng CNY xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Giá đồng CNY trên thị trường quốc tế lập tức rơi xuống, đến mức 6,83 CNY đổi 1 USD.

Đợt ấn định tỷ giá này là tín hiệu báo cho chính quyền Trump rằng Trung Quốc xem những nhận xét của ông Trump về FED như một dấu hiệu cho thấy ông Trump không những hiểu được rằng sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của FED và của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang giúp làm yếu đồng CNY, qua đó bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc khỏi thiệt hại từ thuế quan, mà ông còn đang cố gắng cải thiện tình hình bằng cách thể hiện sự không hài lòng của mình với FED. Bằng chứng là ông đã phát biểu: “Đồng tiền Trung Quốc đang rơi xuống đáy như một tảng đá còn đồng tiền của chúng ta lại lên cao. Điều này đặt chúng ta vào thế bất lợi”.

Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Trump nói ông đang “sẵn sàng nhắm đến 500 tỷ USD”, ám chỉ đến ý tưởng áp thuế quan lên mọi thứ Trung Quốc xuất sang Mỹ. Vài giờ sau, trên Twitter, ông Trump viết: “Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang thao túng khiến đồng tiền của họ và lãi suất hạ thấp hơn, trong khi Mỹ lại tăng lãi suất và đồng USD ngày càng mạnh lên – lấy đi lợi thế cạnh tranh lớn của chúng ta.”

Và, trong một đoạn tweet sau đó ông Trump cũng bảo rằng việc tăng lãi suất của FED đang đe dọa làm giảm đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Những gì ông Trump nói là rất rõ ràng, không thể có một cách hiểu nào khác. Ông đang vận động để có một đồng USD yếu hơn vả cắt giảm lãi suất để đảm bảo rằng chính sách diều hâu của FED không làm suy yếu tác động của thuế quan.

Chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu

Trong bài báo của Bloomberg hôm thứ Sáu 20/7 mang tựa đề “Chiến tranh tiền tệ bùng nổ, đe dọa lan ra các thị trường toàn cầu” có đoạn viết: “Chiến tranh tiền tệ đã đến khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mở thêm một mặt trận trong trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” ngày càng gay gắt”. Hậu quả có thể rất tàn khốc và ảnh hưởng sẽ lan xa hơn đồng tiền của Mỹ và Trung Quốc. Tất cả mọi thứ từ cổ phiếu, dầu cho đến trái phiếu của các thị trường mới nổi đang có nguy cơ trở thành nạn nhân ngoài dự kiến khi Bắc Kinh và Washington đe dọa trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay.”

Hiển nhiên là cuộc chiến tiền tệ này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến thị trường, và diễn ra ở một thời điểm không thể tệ hơn khi mà Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước G20 sắp diễn ra tại Buenos Aires, Argentina. Vào sáng thứ Sáu 20/7, giá đồng CNY đã bị ảnh hưởng từ cả hai phía: bài phỏng vấn ông Trump của CNBC và đợt ấn định tỷ giá của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Đó là trước khi có hai đoạn tweet của ông Trump đã nhắc phía trên, sau khi chúng tạo nên một đợt bán tháo đồng USD đột ngột.

Cũng trong ngày thứ Sáu, ngân hàng Goldman cũng đã có một bản ghi nhớ mang tên “Chiến tranh thương mại phát triển thành chiến tranh tiền tệ”, trong đó viết về ảnh hưởng của tất cả những gì đã diễn ra trong 24 giờ trước đó đối với thị trường:

“Giống với diễn biến của các cuộc tranh chấp kinh tế lớn trong lịch sử, cuộc xung đột này đã tiến đến mức tập trung nhiều hơn vào thị trường ngoại hối, thường là liên quan đến việc dàn xếp để làm đồng USD yếu đi, cộng với mục tiêu của chính quyền là giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ.

Các chuyên gia không nghĩ những lời bình luận của ngài Tổng thống về FED có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh của chính sách tiền tệ Mỹ. Tuy nhiên, chúng có thể ảnh hưởng đến việc các nước khác sẽ có cách tiếp cận thế nào với các cuộc tranh chấp thương mại, hoặc họ sẽ đem chúng lên bàn đàm phán, hoặc họ sẽ trực tiếp tác động lên chính sách tiền tệ. Đối với thị trường ngoại hối, giới phân tích cho rằng những diễn tiến gần đây ám chỉ:

1. Mối quan hệ giữa căng thẳng thương mại và thị trường ngoại hối sẽ thay đổi, nghĩa là căng thẳng leo thang có thể sẽ không dẫn tới việc USD tăng giá;

2. Các dự trữ ngoại hối khác, ví dụ như Euro hay Yen sẽ tìm được ngưỡng hỗ trợ (chạm đáy);

3. Đồng CNY sẽ trở nên bình ổn, vì Mỹ có thể xem việc đồng tiền này sụt giá hơn nữa là một hình thức trả đũa.”

Các nhà phân tích khác lại có thêm nhiều ý kiến, nhưng tất cả đều có chung một nhận định là nghi ngờ tính bền vững của sự phục hồi của đồng USD dưới ảnh hưởng của hai thứ: những lời bình luận của ông Trump về đồng USD mạnh lên và những lời phê phán rõ ràng của ông Trump về hành động tăng thêm lãi suất của ông Jerome Powell.

CNBC đã đưa tin rằng một quan chức Nhà trắng cho biết Tổng thống Trump đang “lo lắng” về vấn đề FED đã hai lần tăng lãi suất trong năm 2018 và trong một phỏng vấn với kênh Fox News, ông Mick Mulvaney – Giám đốc Cục quản lý Hành chính và Ngân sách Hoa Kỳ OMB – đã phát biểu như sau về suy nghĩ của Trump đối với chính sách tiền tệ: “Ông ấy bực bội vì mỗi lần sự việc đang có vẻ tiến triển tốt đẹp thì FED lại đạp thắng”. Tất cả những điều trên cho thấy tình hình đang rất không khả quan. Đây là một vấn đề rất lớn.

Tùy thuộc vào cách Trung Quốc phản ứng, chúng ta có thể sẽ lại trải qua những gì đã diễn ra vào tháng 8/2015, khi sự phá giá trong đêm của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã gây ra tình trạng hỗn loạn toàn cầu, lên đến đỉnh điểm là một cuộc khủng hoảng hoàn toàn vào ngày 24/8.

Theo NCĐT – Tựa bài do DNSG Online đặt lại

0 BÌNH LUẬN